Tối nào tôi cũng bật TV xem tin tức. Tôi muốn xem thế giới đã thay đổi thế nào sau một ngày. Nhưng đã bao giờ tôi nhìn thế giới bằng đôi mắt của một đứa trẻ?
Tối hôm đó, tôi ngồi cùng con gái xem TV. Cháu vừa đến thăm tôi, vợ tôi và các con sống ở một thành phố khác. Tôi sống một mình ở đây do công việc. Đến phần tin tức chiến tranh ở Afghanistan. Con gái tôi quay sang hỏi tôi:
- Bố ơi, những người kia là ai?
- Họ là dân tị nạn - Tôi đáp.
Con bé ngồi nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp:
- Dân tị nạn là gì ạ?
- Là những người không có nhà để sống, do chiến tranh.
- Thế nhà họ ở đâu hả bố?
- Nhà họ có thể bị tàn phá rồi, và họ ở đó thì không an toàn.
- Có phải người xấu đó ném bom họ không? - Cô bé băn khoăn.
- Người xấu nào?
- Người đã làm chết nhiều người ở New York ấy!
Tôi chưa hề nói chuyện với con tôi về thảm hoạ ở New York, có lẽ nó xem TV. Nên tôi đáp:
- Không phải, con ạ. Nước ta đang ném bom đất nước này để tìm ra người xấu đã làm nhiều người chết ở New York. Còn những người kia đang chạy vì họ hoảng sợ.
Con tôi tiếp tục ngồi im lặng xem TV. Tôi nghĩ nó bằng lòng với những câu trả lời của tôi. Cho đến khi nó nhìn thấy những đứa trẻ hoảng sợ chạy trốn.
- Bố ơi, khi người xấu đâm máy bay vào những toà nhà, con nghe nói có nhiều trẻ em mất bố mẹ lắm phải không?
- Phải con ạ. Nhiều người vô tội bị chết, và rất nhiều trong số họ là những người cha và chững người mẹ.
- Người xấu đã làm điều đó. Người xấu đã làm nhiều người chết và nhiều trẻ em mất bố mẹ - Cô bé lẩm bẩm rồi bổng quay sang tôi lần nữa - Bố ơi, nếu làm việc đó là xấu, tại sao chúng ta lại làm việc đó cới những người tị nạn kia?
Lần này thì chính tôi im lặng vì tôi không biết trả lời thế nào. Trong khi tôi còn khó khăn để tìm ra câu trả lời thì con gái tôi lại lên tiếng:
- Bố ơi, bố có phải là người tị nạn không?
Tôi không thể hiểu tại sao nó lại nghĩ ra điều đó. Tôi trả lời ngay:
- Không, tất nhiên rồi. Tại sao con lại nghĩ thế?
Cô bé nhìn thẳng vào tôi và nói:
- Con nghĩ thế vì bố cũng phải đi rất xa, phải ở rất xa mẹ, rất xa nhà mình.
Rồi nó bắt đầu khóc.
Phải chăng trong đầu mỗi người đều có một cuộc chiến tranh?
Dường như tất cả chúng ta đều là người tị nạn. Những người tị nạn của Afganistan thì phải xa quê hương họ. Còn mỗi chúng ta đều phải xa một ai thân thương, một cái gì đó chúng ta yêu quý, vì mỗi sự lựa chọn đều kèm theo một sự hy sinh. Nhưng những đứa trẻ, khi chúng phải ở xa sự hồn nhiên ngây thơ, chúng là người tị nạn của tình yêu thương.